Tác phẩm nổi bật Pierre_Bayard

Pierre Bayard nổi tiếng với cuốn tiểu luận best-seller của ông đã được dịch ra trên ba mươi ngôn ngữ Comment parler des livres que l’on n’a pas lus, Minuit, 2007 (Bản dịch tiếng Việt: Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc, Nhã Nam & Nhà xuất bản Thế giới); qua đó nhà văn nêu lên một quan điểm mới lạ độc đáo khi nghiên cứu sự đọc dưới góc độ đa chiều giao thoa gữa phân tâm học, văn học và thậm chí còn mang hơi hướng triết học. Tác giả đã sáng tạo khái niệm không-đọc, không có nghĩa là không đọc mà là không bám vào từng chi tiết của một cuốn sách, để rồi chỉ có thể tự giới hạn hiểu biết ở một hoặc một số ít cuốn sách, để từ đó tác giả định nghĩa Đọc không phải là tích lũy nhiều trang sách/nhiều cuốn sách mà là có cái nhìn toàn thể lên một cuốn sách và biết xác định vị trí một cuốn sách ở đâu trong tổng thể nhiều cuốn sách. Các nhân vật được Pierre Bayard dẫn làm ví dụ trong tiểu luận này của ông rất đa dạng, từ anh thủ thư, các nhà văn, triết gia, đến giáo sư đại học, rồi anh phóng viên truyền hình và thậm chí cả một con mèo v.v. Cho dù là người làm nghề gì, mức độ gần gũi với sách vở thế nào, tầm quan trọng của sách vở trong công việc của họ ra sao thì cái cốt lõi cuối cùng của việc đọc là tư duy đọc: tư duy kết nối như anh thủ thư, tư duy tổng hợp như Valéry, tư duy điều "cốt lõi" như Montaigne, tư duy trên "quan điểm của người khác" như viên điều tra Baskerville.... Tóm lại, những con người ấy để tồn tại được lâu dài với sách vở, họ không chỉ đọc mà họ phải tư duy để chinh phục những cuốn sách và xây dựng và mở rộng cái hiểu biết văn hóa. Và quả thực, với số lượng khổng lồ của sách vở tồn tại trên thế giới, đọc không thể nào khác là phải tư duy để có một cái nhìn toàn thể và không bị các chi tiết và số lượng sách vở khổng lồ đè bẹp tư tưởng người đọc. Vậy nên, biết đọc từ dòng đầu đến dòng cuối nhưng cũng hãy biết đọc lướt một cuốn sách, hãy biết bắt đầu một cuốn sách ngay từ đoạn kết hay đoạn giữa… hãy sáng tạo những phương cách tiếp cận sách để sự đọc là một hứng thú và đấy mới chính là người-không-đọc theo định nghĩa của Pierre Bayard.

Tiểu luận L'énigme Tolstoïevski, (Minuit, 2017) (Bí ẩn Tolstoïevski,) - vừa mang sắc thái phân tâm học và văn học, vừa mang tính nghịch lý - thật và không thật - đặc biệt thu hút độc giả bằng nghiên cứu kép hai tiểu thuyết gia Nga kinh điển Tolstoï và Dostoïevski bằng phương pháp liên hợp thông qua chủ đề "đa nhân cách trong tình yêu": Pierre Bayard vượt lên khỏi sự đọc và tiếp nhận truyền thống với những tiểu thuyết Nga kinh điển của hai nhà văn này, phân tích văn bản của chúng trong cái nhìn tổng thể trong một không-gian-thời-gian liên hợp bằng việc nhập hai tiểu sử của hai tác giả, và ghép những đoạn trích văn bản khác biệt cạnh nhau, như thể chúng ta có thể gặp ở thế giới này hai nhà văn riêng biệt Tolstoï et Dostoïevsk và ở thế giới khác - do Pierre Bayard tạo ra - một nhà văn Nga đa nhân cách có tên Tolstoïevski. Đọc L’Enigme Tolstoïevski chúng ta lại gặp lại khái niệm « cái nhìn toàn thể », hẳn nhiên, cuốn tiểu luận chứng tỏ Bayard đọc những tiểu thuyết Nga trong tổng thể những tiểu thuyết Nga; để từ đó tác giả thông qua người đọc tìm cách xác định tương quan của tiểu thuyết này với tiểu thuyết kia trong tổng thể.

Trong tác phẩm mới nhất, La vérité sur "Dix Petits nègres" (Sự thật câu chuyện "Mười người da đen nhỏ") (Minuit, 2019), bằng phương pháp phê bình trinh thám, Pierre Bayard mở lại cuộc điều tra về vụ án mạng trong tiểu thuyết trinh thám kinh điển của Agatha Christie và chứng minh rằng Christie đã nhầm lẫn về kẻ giết người trong cái kết của bà. Cuốn sách của ông là một cuộc điều tra phản biện nhằm khôi phục một sự thật. Tác giả sử dụng cùng một phương pháp phân tích, loại suy mà ông đã dùng trong Qui a tué Roger Ackroyd ? (Sự thật Vụ ám sát Roger Ackroyd) và Affaire du chien des Baskerville (Về vụ án Con chó săn của dòng họ Baskerville), và phân tích những chi tiết thiếu chặt chẽ ngay trong văn bản của A. Christie nhằm làm sáng tỏ một bí ẩn tồn tại gần thế kỷ mà không người đọc nào nhận ra, thậm chí ngay cả chính tác giả Agatha Christie. Điều mới lạ trong tiểu luận mới này là Bayard để chính kẻ giết người thực sự làm nhân vật chính và kể lại cho độc giả biết hành trình phạm tội và xóa dấu vết của hắn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Pierre_Bayard https://www.univ-paris8.fr/Plongee-dans-la-critiqu... https://diacritik.com/2017/11/13/pierre-bayard-lit... http://www2.univ-paris8.fr/litteraturefrancaise/ http://www.fabula.org/atelier.php?Comment_ne_pas_d... https://diacritik.com/2017/11/02/pierre-bayard-jec... https://diacritik.com/2017/06/29/pop-up-de-vies-ev... http://intercripol.org/fr/index.html http://revueliberte.ca/2018/02/26/defiles-langage-... https://prix-marguerite-yourcenar.scam.fr/person/p... https://web.archive.org/web/20180809121753/http://...